Kinh Hoa Nghiêm
Đại Phương Quảng Phật
giảng giải
Phẩm Phổ Hiền Tam Muội
Hòa Thượng TUYÊN HÓA
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Ðịnh
— o0o —
Phẩm Thứ Ba
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Bồ Tát Phổ Hiền là đại Bồ Tát trong các đại Bồ Tát, cũng là thuyết pháp chủ. Ngài cỡi voi trắng lớn sáu ngà (biểu thị đại hạnh, sáu ngà dụ cho sáu độ, trắng biểu thị thuần tịnh). Bất cứ chúng sinh nào, chỉ cần kiền thành xưng tán khen ngợi thánh hiệu của Ngài, thì Bồ Tát Phổ Hiền nhất định sẽ hiện ra ở trước để cứu độ, khiến cho họ ra khỏi biển khổ, đắc được giải thoát. Tam muội là tiếng Phạn, dịch là “Chánh định chánh thọ”, là nói Bồ Tát Phổ Hiền tu chánh định, đắc được thọ dụng. Phẩm này là phẩm thứ ba, cho nên gọi là Phẩm Phổ Hiền Tam Muội Thứ Ba.
Nhĩ thời, Phổ Hiền Bồ-Tát Ma-ha-tát ư Như Lai tiền, tọa liên hoa tạng sư tử chi tọa, thừa Phật thần lực, nhập vu tam muội.
Bấy giờ, đại Bồ Tát Phổ Hiền ở trước đức Như Lai, ngồi trên tòa sư tử Liên hoa tạng, nương thần lực của đức Phật mà nhập vào tam muội.
Giảng: Sau khi nói xong phẩm thứ hai rồi, thì đại Bồ Tát Phổ Hiền, ở trước Phật Thích Ca Mâu Ni, ngồi trên tòa sư tử Liên hoa tạng. Ngài nương oai thần lực của Phật, nhờ Phật gia bị, mà nhập vào tam muội.
Khi các đại Bồ Tát nói pháp, thì nhất cử nhất động đều nói nương thần lực của Phật, mà chẳng nói nương thần lực của mình. Vì Bồ Tát chưa thành Phật, vẫn là thân phận ‘’Hữu Thượng Sĩ’’, ở trên còn có Phật (Vô Thượng Sĩ), Ngài vẫn chưa chứng đắc quả vị Phật, cho nên Bồ Tát nhất cử nhất động, nhất ngôn nhất hạnh, lấy Phật làm nơi nương tựa quay về. Do đó, nói là nương thần lực của Phật.
Thử tam muội danh: nhất thiết chư Phật Tỳ Lô Giá Na Như Lai tạng thân, phổ nhập nhất thiết Phật bình đẳng tánh, năng ư Pháp giới thị chúng ảnh tượng; quảng đại vô ngại, đồng ư hư không; Pháp giới hải tuyền,
Tam muội đó tên là: Nhất thiết chư Phật Tỳ Lô Giá Na Như Lai tạng thân, khắp vào tánh bình đẳng của tất cả chư Phật, ở trong pháp giới thị hiện các ảnh tượng, rộng lớn vô ngại, đồng như hư không biển pháp giới, đều vào khắp hết thảy.
Giảng: Ðây là tên của tam muội, gọi là Nhất Thiết Chư Phật Tỳ Lô Giá Na Như Lai Tạng Thân, tức cũng giống như Tỳ Lô Giá Na Phật. Bồ Tát Phổ Hiền, Ngài vào khắp tánh bình đẳng của tất cả chư Phật, thị hiện ảnh tượng Phật, ảnh tượng Bồ Tát, ảnh tượng Duyên Giác và tất cả ảnh tượng khác, tận hư không biến pháp giới. Thần thông lực của Ngài rộng lớn vô ngại, nhiều đồng hư không pháp giới hải, chẳng có một nơi nào mà Ngài không thể đạt đến được.
Mĩ bất tùy nhập; xuất sanh nhất thiết chư tam muội Pháp, phổ năng bao nạp thập phương Pháp giới; tam thế chư Phật trí quang minh hải giai tòng thử sanh, thập phương sở hữu chư an lập hải tất năng thị hiện
Sinh ra tất cả các pháp tam muội, bao hàm dung nạp khắp mười phương pháp giới. Biển trí huệ quang minh của chư Phật ba đời, đều từ đây sinh ra. Hết thảy các biển an lập trong mười phương, đều thị hiện ra.
Giảng: Bồ Tát Phổ Hiền đắc được tam muội là mẹ của tất cả tam muội, hay sinh ra tất cả pháp tam muội. Tam muội này, có thể bao hàm dung nạp khắp mười phương pháp giới. Biển trí huệ quang minh của chư Phật ba đời, cũng từ tam muội này mà sinh ra. Mười phương tất cả các cõi Phật, pháp môn, và tất cả các đạo tràng, đều an lập trong tam muội này, thị hiện ra đủ thứ cảnh giới này.
Hàm tạng nhất thiết Phật lực giải thoát chư Bồ-tát trí, năng lệnh nhất thiết quốc độ vi trần phổ năng dung thọ vô biên pháp giới; thành tựu nhất thiết Phật công đức hải, hiển thị Như Lai chư Đại nguyện hải; nhất thiết chư Phật sở hữu Pháp luân, lưu thông hộ trì, sử vô đoạn tuyệt.
Hàm chứa tất cả các lực, giải thoát của Phật, và trí huệ của Bồ Tát, hay khiến cho hạt bụi trong tất cả cõi nước, có thể dung thọ khắp vô biên thế giới, mà thành tựu tất cả biển công đức của Phật. Lại hiển bày các biển đại nguyện của Như Lai, hết thảy chư Phật chuyển bánh xe pháp, lưu thông, hộ trì, khiến cho chẳng đoạn tuyệt.
Giảng: Trong tam muội của Bồ Tát Phổ Hiền, hàm chứa tất cả thập lực và giải thoát lực của Phật, cùng với hết thảy trí huệ của Bồ Tát, hay khiến cho hạt bụi trong tất cả cõi nước của chư Phật, dung thọ khắp vô lượng vô biên thế giới, thành tựu hết thảy tất cả biển công đức của Phật. Lại hiển bày tất cả biển đại nguyện của Phật. Mười phương ba đời tất cả chư Phật chuyển bánh xe pháp, lưu thông pháp này, hộ trì pháp này, khiến cho Phật pháp chẳng đoạn diệt, vĩnh viễn tồn tại trong thế gian.
Như thử thế giới trung, Phổ Hiền Bồ Tát ư Thế Tôn tiền, nhập thử tam muội; như thị, tận Pháp giới, hư không giới, thập phương tam thế, vi tế vô ngại, quảng đại quang minh, Phật nhãn sở kiến, Phật lực năng đáo, Phật thân sở Hiện-Nhất-Thiết quốc độ, cập thử quốc độ sở hữu vi trần, nhất nhất trần trung hữu thế giới hải vi trần số Phật sát, nhất nhất sát trung hữu thế giới hải vi trần số chư Phật, nhất nhất Phật tiền hữu thế giới hải vi trần số Phổ Hiền Bồ Tát, giai diệc nhập thử nhất thiết chư Phật Tỳ Lô Giá Na Như Lai tạng thân tam muội.
Như ở tại thế giới nầy, Bồ Tát Phổ Hiền ở trước đức Thế Tôn vào tam muội nầy. Như vậy tận pháp giới, hư không giới, mười phương ba đời, vi tế, vô ngại, rộng lớn, quang minh, nơi Phật nhãn thấy được, Phật lực đến được, thân Phật hiện đến, tất cả cõi nước, và các cõi nước đó, hết thảy hạt bụi, trong mỗi hạt bụi, đều có cõi Phật, nhiều như số hạt bụi thế giới hải, trong mỗi cõi nước, đều có chư Phật nhiều như số hạt bụi thế giới hải. Ở trước mỗi đức Phật, đều có Bồ Tát Phổ Hiền, nhiều như số hạt bụi thế giới hải, cũng đều nhập vào tam muội Nhất thiết chư Phật Tỳ Lô Giá Na Như Lai tạng thân này.
Giảng: Trong thế giới Ta Bà này, Bồ Tát Phổ Hiền ở trước Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, nhập vào tam muội Nhất thiết chư Phật Tỳ Lô Giá Na Như Lai tạng thân. Như tam muội này, tận cùng pháp giới, hư không giới, mười phương ba đời, chẳng những chỗ nhỏ nhất, cũng chẳng có chướng ngại, mà dù chỗ rộng lớn trăm ngàn do tuần, cũng chẳng có chướng ngại. Trời, người, mặt trời, mặt trăng, quang minh thảy mọi nơi, chẳng có chướng ngại. Phàm là nơi Phật nhãn thấy được, nơi Phật lực đạt đến được, nơi thân Phật hiện đến được, mười phương tất cả cõi nước, tam muội của Bồ Tát Phổ Hiền đều đến tận cùng được.
Hết thảy hạt bụi trong thế giới Ta Bà, và mười phương tất cả cõi nước, ở trong mỗi hạt bụi, lại có cõi Phật nhiều như số hạt bụi thế giới hải. Ở trong mỗi cõi Phật, lại có chư Phật nhiều như số hạt bụi thế giới hải. Ở trước mỗi vị Phật, đều có Bồ Tát Phổ Hiền nhiều như số hạt bụi thế giới hải, nhập vào tam muội Nhất thiết chư Phật Tỳ Lô Giá Na Như Lai tạng thân này.
Nhĩ thời, nhất nhất Phổ Hiền Bồ Tát, giai hữu thập phương nhất thiết chư Phật nhi hiện kỳ tiền. bỉ chư Như Lai đồng thanh tán ngôn: Thiện tai! Thiện tai! Thiện nam tử ! nhữ năng nhập thử nhất thiết chư Phật Tỳ Lô Giá Na Như Lai tạng thân Bồ Tát tam muội.
Bấy giờ, nơi mỗi mỗi Bồ Tát Phổ Hiền, đều có mười phương tất cả chư Phật hiện ra ở trước. Các đức Như Lai đó, đồng thanh khen rằng : Lành thay ! Lành thay ! Thiện nam tử ! Ông vào được tam muội Nhất thiết chư Phật Tỳ Lô Giá Na Như Lai tạng thân Bồ Tát này.
Giảng: Lúc đó, ở trước mỗi Bồ Tát Phổ Hiền, đều có mười phương chư Phật hiện ra ở trước, khác miệng đồng thanh khen ngợi Bồ Tát Phổ Hiền nói : ‘’Lành thay ! Lành thay ! Phổ Hiền, ông là thiện nam tử, vào được tam muội Nhất thiết chư Phật Tỳ Lô Giá Na Như Lai tạng thân Bồ Tát nầy.’’
Phật tử ! thử thị thập phương nhất thiết chư Phật cọng gia ư nhữ, dĩ Tỳ Lô Giá Na Như Lai bản nguyện lực cố, diệc dĩ nhữ tu nhất thiết chư Phật hạnh/hành/hàng nguyện lực cố.
Phật tử ! Ðây là mười phương tất cả chư Phật cùng gia bị cho ông. Vì nhờ bổn nguyện lực của Tỳ Lô Giá Na Như Lai, và cũng do ông tu hạnh nguyện lực của tất cả chư Phật.
Giảng: Chư Phật khen ngợi Bồ Tát Phổ Hiền rồi, lại nói : ‘’Phật tử ! Ðó là nhờ mười phương chư Phật cùng gia bị cho ông, khiến cho ông vào được tam muội này. Vì nhờ bổn nguyện lực của Tỳ Lô Giá Na Phật, và do ông tu hạnh nguyện lực của tất cả chư Phật, cho nên đắc được tam muội nầy.’’
Sở vị: năng chuyển nhất thiết Phật Pháp luân cố; khai hiển nhất thiết Như Lai trí tuệ hải cố; phổ chiếu thập phương chư an lập hải, tất vô dư cố; lệnh nhất thiết chúng sanh tịnh trì tạp nhiễm, đắc thanh tịnh cố; phổ nhiếp nhất thiết chư Đại quốc độ, vô sở trước cố; thâm nhập nhất thiết chư Phật cảnh giới, vô chướng ngại cố; phổ thị nhất thiết Phật công đức cố; năng nhập nhất thiết chư pháp thật tướng, tăng trí tuệ cố; quan sát nhất thiết chư pháp môn cố; liễu tri nhất thiết chúng sanh căn cố; năng trì nhất thiết chư Phật Như Lai giáo văn hải cố.
Chuyển được bánh xe tất cả Phật pháp. Khai thị hiển bày tất cả biển trí tuệ của Như Lai. Chiếu khắp các biển an lập trong mười phương không thừa sót. Khiến cho tất cả chúng sinh tịnh trị tạp nhiễm được thanh tịnh. Nhiếp khắp tất cả cõi nước lớn chẳng có chấp trước. Vào sâu tất cả cảnh giới của chư Phật chẳng chướng ngại. Khắp thị hiện tất cả công đức của Phật. Vào được thật tướng của tất cả các pháp tăng trưởng trí huệ. Quán sát tất cả các pháp môn. Thấu rõ căn tánh của tất cả chúng sinh. Tu trì biển lời dạy của tất cả chư Phật Như Lai.
Giảng: Bồ Tát Phổ Hiền vào tam muội này, chứng được đủ thứ thành tựu : Chuyển được bánh xe pháp vi diệu của tất cả chư Phật mười phương ba đời. Khai thị hiển bày biển trí huệ của tất cả chư Phật. Chiếu soi khắp các biển an lập trong mười phương pháp giới. Chuyển bánh xe pháp giáo hóa chúng sinh, khiến cho tập khí mao bệnh của tất cả chúng sinh đều trừ khử sạch, phá trừ vô minh, tiêu diệt phiền não, tâm thanh tịnh chẳng tạp nhiễm.
Việc thiện mà chúng ta làm, trong đó lại xen tạp một chút nhân ác. Nghiệp ác tạo ra, bên trong cũng xen tạp một chút nghiệp thiện. Do đó, thiện ác xen tạp, tịnh nhiễm hỗn hợp. Tịnh trị tức là trừ khử đi nhân ác, giữ lại nhân thiện. Giống như đãi vàng trong cát, tìm từ từ, thanh tịnh và nhiễm ô vốn hỗn hợp với nhau, dùng phương pháp tịnh trị, để khiến cho pháp nhiễm ô chẳng còn nữa, mà đắc được thanh tịnh.
Bồ Tát Phổ Hiền ở trong tam muội này, tuy có thể nhiếp trì khắp tất cả các cõi nước, nhưng chẳng có sự chấp trước. Vào sâu tất cả cảnh giới của Phật, chẳng có chướng ngại, khắp thị hiện hết thảy tất cả công đức của chư Phật, vào tất cả các pháp thật tướng có thể tăng trưởng đại trí huệ. Lại quán sát được tám vạn bốn ngàn pháp môn. Muốn thuyết pháp giáo hóa chúng sinh, trước hết phải biết căn tánh của chúng sinh, như thế mới có hiệu quả. Bồ Tát Phổ Hiền khéo tu trì ngôn giáo của tất cả chư Phật, tuy nhiên Kinh tạng như biển, nhưng đều tu được viên mãn.
Nhĩ thời, thập phương nhất thiết chư Phật, tức dữ Phổ Hiền Bồ-Tát Ma-ha-tát năng nhập nhất thiết trí tánh lực trí, dữ nhập Pháp giới vô biên lượng trí, dữ thành tựu nhất thiết Phật cảnh giới trí, dữ tri nhất thiết thế giới hải thành hoại trí, dữ tri nhất thiết chúng sanh giới quảng đại trí, dữ trụ chư Phật thậm thâm giải thoát vô sái biệt chư tam muội trí, dữ nhập nhất thiết Bồ Tát chư căn hải trí, dữ tri nhất thiết chúng sanh ngữ ngôn hải chuyển pháp luân từ biện trí, dữ phổ nhập Pháp giới nhất thiết thế giới hải thân trí, dữ đắc nhất thiết Phật âm thanh trí.
Bấy giờ, tất cả chư Phật trong mười phương, bèn ban cho đại Bồ Tát Phổ Hiền trí huệ vào được Nhất thiết trí tánh lực. Ban cho trí huệ vào pháp giới vô lượng vô biên. Ban cho trí huệ thành tựu tất cả cảnh giới của Phật. Ban cho trí huệ biết tất cả biển thế giới thành hoại. Ban cho trí huệ biết tất cả cõi chúng sinh rộng lớn. Ban cho trí huệ trụ vào giải thoát thâm sâu không khác biệt tất cả tam muội của chư Phật. Ban cho trí huệ vào tất cả biển các căn của Bồ Tát. Ban cho trí huệ biết tất cả biển ngôn ngữ của chúng sinh, chuyển pháp luân từ biện. Ban cho trí huệ thân vào khắp pháp giới tất cả thế giới hải. Ban cho trí huệ được tất cả âm thanh của Phật.
Giảng: Lúc đó, mười phương tất cả chư Phật, đều đến gia trì cho đại Bồ Tát Phổ Hiền, ban cho Ngài đủ thứ lực, khiến cho Ngài vào được trong hết thảy trí huệ.
1). Mười phương chư Phật ban trí huệ cho Bồ Tát Phổ Hiền, khiến cho Ngài vào được hết thảy trí tánh lực.
2). Mười phương chư Phật ban trí huệ cho Bồ Tát Phổ Hiền, trí huệ khiến cho Ngài vào được tận hư không biến pháp giới vô lượng vô biên.
3). Mười phương chư Phật ban trí huệ cho Bồ Tát Phổ Hiền, khiến cho Ngài thành tựu tất cả cảnh giới của chư Phật. Vì Ngài có thứ trí huệ này, cho nên Ngài làm thuyết pháp chủ của Kinh này.
4). Mười phương chư Phật ban trí huệ cho Bồ Tát Phổ Hiền, khiến cho Ngài biết được tất cả thế giới hải, đều có bốn tướng thành trụ hoại không.
Thời gian của thế giới thành là hai mươi tiểu kiếp, thời gian trụ là hai mươi tiểu kiếp, thời gian hoại là hai mươi tiểu kiếp, thời gian không là hai mươi tiểu kiếp. Một thế giới, phải trải qua tám mươi tiểu kiếp, tức cũng là bốn trung kiếp (một trung kiếp là hai mươi tiểu kiếp) làm một đại kiếp. Thế giới này thành rồi, thì có chúng sinh trụ, trụ rồi thì sẽ biến hoại, hoại rồi thì không, chẳng còn gì nữa, không rồi lại thành thế giới, kết thúc rồi bắt đầu, tuần hoàn biến hóa, chẳng ngừng.
Bồ Tát Phổ Hiền hoàn toàn thấu hiểu thế giới này thành như thế nào ? Trụ như thế nào ? Hoại như thế nào ? Không như thế nào ? Ngài có trí huệ này.
5). Mười phương chư Phật ban trí huệ cho Bồ Tát Phổ Hiền, khiến cho Ngài biết tất cả biển chúng sinh rộng lớn.
6). Mười phương chư Phật ban trí huệ cho Bồ Tát Phổ Hiền, khiến cho Ngài trụ vào giải thoát thâm sâu không khác biệt tất cả tam muội của chư Phật.
7). Mười phương chư Phật ban trí huệ cho Bồ Tát Phổ Hiền, khiến cho Ngài vào các biển căn của tất cả Bồ Tát.
8). Mười phương chư Phật ban trí huệ cho Bồ Tát Phổ Hiền, khiến cho Ngài thấu rõ tất cả biển ngôn ngữ của chúng sinh chuyển pháp luân từ biện.
9). Mười phương chư Phật ban trí huệ cho Bồ Tát Phổ Hiền, khiến cho Ngài thâm nhập vào pháp giới tất cả thế giới hải, tức cũng là tùy nơi mà hiện thân.
10). Mười phương chư Phật ban trí huệ cho Bồ Tát Phổ Hiền, khiến cho Ngài được tất cả âm thanh của Phật, tức cũng giống âm thanh của Phật chẳng khác biệt.
Như thử thế giới trung, Như Lai tiền, Phổ Hiền Bồ Tát mông chư Phật dữ như thị trí; như thị, nhất thiết thế giới hải, cập bỉ thế giới hải nhất nhất trần trung, sở hữu Phổ Hiền, tất diệc như thị. hà dĩ cố? Chứng bỉ tam muội Pháp như thị cố.
Như trong thế giới nầy, đức Như Lai ở trước Bồ Tát Phổ Hiền, được chư Phật ban cho trí huệ như thế. Như vậy tất cả thế giới hải, và trong mỗi hạt bụi của thế giới hải đó, hết thảy Bồ Tát Phổ Hiền, cũng đều như vậy. Tại sao ? Vì chứng được tam muội nầy, nên được pháp như vậy.
Giảng: Trong thế giới Ta Bà này, Phật Thích Ca Mâu Ni ở trước Bồ Tát Phổ Hiền, được mười phương chư Phật từ bi ban cho mười thứ trí huệ, tại thế giới Ta Bà là như vậy, ở trong thế giới hải khác cũng như vậy, trong mỗi hạt bụi của thế giới hải đó, do thần thông hóa hiện của Bồ Tát Phổ Hiền, cũng đều như ở thế giới Ta Bà, được mười phương chư Phật gia bị ban cho đủ thứ trí huệ.
Tại sao có cảnh giới như vậy ? Vì Bồ Tát Phổ Hiền đắc được tam muội Nhất thiết chư Phật Tỳ Lô Giá Na Như Lai tạng thân, cũng vì quy cụ của pháp này nên được như thế.
Thị thời, thập phương chư Phật, các thư hữu thủ, ma Phổ Hiền Bồ Tát đảnh/đính. kỳ thủ giai dĩ tướng hảo trang nghiêm, diệu võng quang thư, hương lưu diệm phát. Phục xuất chư Phật chủng chủng Diệu-Âm, cập dĩ tự tại thần thông chi sự
Bấy giờ, mười phương chư Phật đều duỗi tay phải rờ đầu Bồ Tát Phổ Hiền. Tay của các Ngài đều đầy đủ tướng tốt trang nghiêm, lưới quang minh vi diệu mở ra, hương thơm tỏa ra, và phát ra ánh sáng rực rỡ. Lại vang ra đủ thứ âm thanh vi diệu của chư Phật, và việc thần thông tự tại.
Giảng: Lúc đó, mười phương hết thảy tất cả chư Phật, mỗi vị Phật đều duỗi tay phải xoa đầu Bồ Tát Phổ Hiền. Tay của chư Phật đều đầy đủ tướng tốt trang nghiêm, lưới quang minh vi diệu không thể nghĩ bàn, đều từ từ mở ra. Bàn tay của chư Phật tỏa ra hương thơm, lại phát ra ánh sáng rực rỡ, đồng thời lại vang ra đủ thứ diệu âm, và đủ thứ việc diệu dụng thần thông tự tại, cùng gia bị Bồ Tát Phổ Hiền, nên hiện ra đủ thứ việc như thế.
Quá, hiện, vị lai nhất thiết Bồ Tát Phổ Hiền nguyện hải, nhất thiết Như Lai thanh tịnh Pháp luân, cập tam thế Phật sở hữu ảnh tượng, giai ư trung hiện.
Quá khứ hiện tại và vị lai, tất cả biển đại nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền, tất cả thanh tịnh pháp luân của Như Lai, và hết thảy hình ảnh của ba đời chư Phật, đều hiện ra ở trong đó.
Giảng: Khi Phật thành đạo, thì trước hết muốn nói Kinh Hoa Nghiêm này. Chẳng những Phật Thích Ca Mâu Ni trước hết nói Kinh này, mà mười phương ba đời tất cả chư Phật, khi thành đạo cũng đều nói Kinh này trước hết, để giáo hóa tất cả pháp thân Ðại sĩ. Do đó, pháp của Kinh Hoa Nghiêm hàng nhị thừa chẳng tin cũng chẳng thọ trì. Vì pháp này là không thể nghĩ bàn, cũng là pháp mà một số chúng sinh không thể nào minh bạch được.
Bồ Tát Phổ Hiền ở trong tam muội Nhất thiết chư Phật Tỳ Lô Giá Na Như Lai tạng thân, biết được quá khứ là như thế, hiện tại là như thế, vị lai cũng như thế. Hết thảy tất cả Bồ Tát, đều y chiếu mười đại nguyện vương của Bồ Tát Phổ Hiền để tu. Tất cả thanh tịnh pháp luân của Như Lai và hết thảy hình ảnh của tất cả chư Phật ba đời, đều hiện ra ở trong lưới quang minh.
Như thử thế giới trung, Phổ Hiền Bồ Tát vị thập phương Phật sở cọng ma đảnh; như thị, nhất thiết thế giới hải, cập bỉ thế giới hải nhất nhất trần trung, sở hữu Phổ Hiền, tất diệc như thị, vị thập phương Phật chi sở ma đảnh.
Như Bồ Tát Phổ Hiền ở trong thế giới nầy, được mười phương chư Phật cùng rờ đầu. Như vậy tất cả thế giới hải, và hết thảy Bồ Tát Phổ Hiền ở trong mỗi hạt bụi của thế giới hải đó, cũng đều như thế, được mười phương chư Phật rờ đầu.
Giảng: Ở trong thế giới Ta Bà này, tại Bồ đề đạo tràng, Bồ Tát Phổ Hiền được mười phương ba đời tất cả chư Phật cùng đến rờ đầu, gia trì tất cả trí huệ. Lúc đó, có người phát sinh nghi vấn : ‘’Có rất nhiều vị Phật, đồng thời duỗi tay phải để rờ đầu Bồ Tát Phổ Hiền, thì làm sao mà có thể rờ đầu Ngài ?‘’ Ðây là tri kiến của phàm phu. Phải biết, Bồ Tát Phổ Hiền cùng hiện ra hóa thân nhiều như số hạt bụi thế giới hải, cho nên mỗi vị Phật rờ đầu Bồ Tát Phổ Hiền mà chẳng chướng ngại.
Giống như ở trên đã nói, tất cả thế giới hải và hóa thân của Bồ Tát Phổ Hiền, ở trong mỗi hạt bụi trong thế giới hải đó, đều được tất cả chư Phật mười phương ba đời đến rờ đầu.
Nhĩ thời, Phổ Hiền Bồ Tát tức tùng thị tam muội nhi khởi. tòng thử tam muội khởi thời, tức tùng nhất thiết thế giới hải vi trần số tam muội hải môn khởi.
Bấy giờ, Bồ Tát Phổ Hiền bèn từ tam muội nầy mà dậy. Khi từ tam muội nầy dậy, thì lập tức từ tất cả biển môn tam muội, nhiều như số hạt bụi thế giới hải đều dậy.
Giảng: Lúc đó, Bồ Tát Phổ Hiền lập tức, từ tam muội Nhất thiết chư Phật Tỳ Lô Giá Na Như Lai tạng thân mà dậy, tức là từ tất cả biển môn tam muội, nhiều như số hạt bụi thế giới hải đều dậy.
Sở vị: tùng tri tam thế niệm niệm vô sái biệt thiện xảo trí tam muội môn khởi, tùng tri tam thế nhất thiết pháp giới sở hữu vi trần tam muội môn khởi, tùng hiện tam thế nhất thiết Phật sát tam muội môn khởi, tùng Hiện-Nhất-Thiết chúng sanh xá trạch tam muội môn khởi, tùng tri nhất thiết chúng sanh tâm hải tam muội môn khởi, tùng tri nhất thiết chúng sanh các biệt danh tự tam muội môn khởi, tùng tri thập phương Pháp giới xứ sở các sái biệt tam muội môn khởi, tùng tri nhất thiết vi trần trung các hữu vô biên quảng đại Phật thân vân tam muội môn khởi, tùng diễn thuyết nhất thiết pháp lý thú hải tam muội môn khởi.
Đó là: Từ môn tam muội trí thiện xảo, biết ba đời tất cả pháp giới hết thảy hạt bụi mà dậy. Từ môn tam muội hiện ra tất cả cõi Phật ba đời mà dậy. Từ môn tam muội hiện ra tất cả phòng ốc của chúng sinh mà dậy. Từ môn tam muội biết biển tâm của tất cả chúng sinh mà dậy. Từ môn tam muội biết tên khác nhau của tất cả chúng sinh mà dậy. Từ môn tam muội biết xứ sở khác nhau trong mười phương pháp giới mà dậy. Từ môn tam muội biết trong tất cả hạt bụi, đều có vô biên mây thân Phật rộng lớn mà dậy. Từ môn tam muội diễn nói tất cả biển pháp lý thú mà dậy.
Giảng: Bồ Tát Phổ Hiền từ các thứ tam muội xuất định, từ môn tam muội trí huệ thiện xảo, biết niệm niệm của tất cả chúng sinh ba đời chẳng khác biệt mà dậy. Từ môn tam muội hiện ra ba đời tất cả cõi Phật mà dậy. Từ môn tam muội hiện ra tất cả phòng ốc của chúng sinh mà dậy. Từ môn tam muội biết biển tâm của tất cả chúng sinh mà dậy. Biển tâm của tất cả chúng sinh, Bồ Tát cũng đều biết đều thấy. Vì tâm niệm của chúng sinh đều từ trong định của Bồ Tát bao quát hết. Từ môn tam muội biết tên khác nhau của tất cả chúng sinh mà dậy. Từ môn tam muội biết tất cả xứ sở khác nhau trong mười phương pháp giới mà dậy. Từ môn tam muội biết trong tất cả hạt bụi, đều có vô biên mây thân Phật rộng lớn mà dậy. Từ môn tam muội diễn nói tất cả biển pháp lý thú mà dậy.
Phổ Hiền Bồ Tát tùng như thị đẳng tam muội môn khởi thời, kỳ chư Bồ-tát nhất nhất các đắc thế giới hải vi trần số tam muội hải vân, thế giới hải vi trần số Đà-la-ni hải vân, thế giới hải vi trần số chư Pháp phương tiện hải vân, thế giới hải vi trần số biện tài môn hải vân, thế giới hải vi trần số tu hành hải vân,
Khi Bồ Tát Phổ Hiền từ các tam muội như vậy mà dậy, thì các Bồ Tát khác, ai nấy đều được : Biển mây tam muội, nhiều như số hạt bụi thế giới hải. Biển mây Ðà la ni, nhiều như số hạt bụi thế giới hải. Biển mây các pháp phương tiện, nhiều như số hạt bụi thế giới hải. Biển mây môn biện tài, nhiều như số hạt bụi thế giới hải. Biển mây tu hành, nhiều như số hạt bụi thế giới hải.
Giảng: Khi vị Bồ Tát Phổ Hiền, từ mười thứ tam muội (như ở trước đã nói) xuất định, thì các Bồ Tát khác cũng đắc được pháp ích. Vì Bồ Tát Phổ Hiền vào tam muội Nhất thiết chư Phật Tỳ Lô Giá Na Như Lai tạng thân. Bồ Tát Phổ Hiền biểu diễn định này, thì các Ngài cũng chịu ảnh hưởng, tự nhiên đắc được lợi ích của định này.
Mỗi vị Bồ Tát đều được: Biển mây tam muội, nhiều như số hạt bụi thế giới hải. Lại được biển mây Ðà la ni, nhiều như số hạt bụi thế giới hải. Lại đắc được biển mây các pháp phương tiện, nhiều như hạt bụi thế giới hải. Lại đắc được biển mây tu hành, nhiều như số hạt bụi thế giới hải.
Thế giới hải vi trần số phổ chiếu Pháp giới nhất thiết Như Lai công đức tạng trí quang minh hải vân, thế giới hải vi trần số nhất thiết Như Lai chư lực trí tuệ vô sái biệt phương tiện hải vân, thế giới hải vi trần số nhất thiết Như Lai nhất nhất mao khổng trung các hiện chúng sát hải vân, thế giới hải vi trần số nhất nhất Bồ Tát thị hiện tùng. Đâu suất thiên cung một hạ sanh thành Phật chuyển chánh Pháp luân Bát Niết Bàn đẳng hải vân.
Biển mây trí quang minh, chiếu khắp pháp giới tất cả tạng công đức của Như Lai, nhiều như số hạt bụi thế giới hải. Biển mây phương tiện, tất cả các lực trí huệ chẳng khác biệt của Như Lai, nhiều như số hạt bụi thế giới hải. Trong tất cả lỗ lông của Như Lai, đều hiện ra biển mây các cõi, nhiều như số hạt bụi thế giới hải. Mỗi Bồ Tát thị hiện từ cung trời Ðâu Suất hạ sinh thành Phật, chuyển bánh xe chánh pháp, vào Niết Bàn, các biển mây nhiều như số hạt bụi thế giới hải.
Giảng: Mỗi vị Bồ Tát lại được: Biển mây trí quang minh, chiếu khắp pháp giới tất cả Như Lai công đức tạng, nhiều như số hạt bụi thế giới hải. Lại được biển mây phương tiện, tất cả các lực trí huệ chẳng khác biệt của Như Lai, nhiều như số hạt bụi thế giới hải. Lại được trong mỗi lỗ lông của tất cả Như Lai, đều hiện ra biển mây các cõi, nhiều như số hạt bụi thế giới hải. Lại được mỗi vị Bồ tát đều thị hiện từ cung trời Ðâu Suất, hạ sinh thành Phật chuyển bán xe chánh pháp vào Niết Bàn, các biển mây nhiều như số hạt bụi thế giới hải.
Như thử thế giới trung, Phổ Hiền Bồ Tát tùng tam muội khởi, chư Bồ-tát chúng hoạch như thị ích; như thị, nhất thiết thế giới hải, cập bỉ thế giới hải sở hữu vi trần, nhất nhất trần trung, tất diệc như thị.
Như trong thế giới này, Bồ Tát Phổ Hiền từ tam muội dậy, các Bồ Tát chúng đều được lợi ích như thế. Như vậy tất cả thế giới hải, và trong mỗi hạt bụi, hết thảy số hạt bụi của thế giới hải đó, cũng đều như thế.
Giảng: Ở trong thế giới Ta Bà này, Bồ Tát Phổ Hiền từ tam muội xuất định, thì Bồ Tát Phổ Hiền trong thế giới hải khác, đồng thời cũng từ tam muội xuất định. Ðại chúng Bồ Tát nhiều như số hạt bụi thế giới hải, đều đắc được đủ thứ lợi ích biển mây.
Giống như tất cả thế giới hải đã nói ở trước, và trong mỗi hạt bụi, hết thảy số hạt bụi trong thế giới hải đó, đều có cảnh giới như đã nói ở trên, cho nên nói, trong mỗi hạt bụi đều là như vậy.
Nhĩ thời, thập phương nhất thiết thế giới hải dĩ chư Phật uy thần lực, cập Phổ Hiền Bồ Tát tam muội lực cố, tất giai vi động. Nhất nhất thế giới chúng bảo trang nghiêm, cập xuất Diệu-Âm diễn thuyết chư Pháp. Phục ư nhất thiết Như Lai chúng hội đạo tràng hải trung, phổ vũ thập chủng Đại ma-ni Vương vân.
Bấy giờ, mười phương tất cả thế giới hải, nhờ sức oai thần của chư Phật, và sức tam muội của Bồ Tát Phổ Hiền thảy đều chấn động nhẹ. Mỗi mỗi thế giới đều dùng các châu báu trang nghiêm. Và vang ra âm thanh vi diệu diễn nói các pháp. Và trong đạo tràng chúng hải hội của tất cả Như Lai, khắp mưa xuống mười thứ mây ma ni vương.
Giảng: Lúc đó, mười phương tất cả thế giới hải, nhờ đại oai thần lực, của tất cả chư Phật mười phương ba đời, và sức tam muội của Bồ Tát Phổ Hiền, cho nên mười phương tất cả thế giới hải, đều có chấn động nhẹ, đây là khiến cho chúng sinh tỉnh ngộ, đừng mê hoặc nữa, phải thấu hiểu thế giới là vô thường, tương lai thế giới sẽ hủy diệt.
Trong mỗi thế giới, đều dùng bảy báu để trang nghiêm, lại vang ra âm thanh êm tai vi diệu, để diễn nói các pháp. Và ở trong biển đạo tràng chúng hội của tất cả chư Phật, khắp mưa xuống mười thứ mây ma ni vương (châu như ý) tốt đẹp cát tường nhất.
Hà đẳng vi thập? Sở vị: diệu kim tinh tràng ma-ni Vương vân, quang minh chiếu diệu ma ni Vương vân, bảo luân thùy hạ ma-ni Vương vân, chúng Bảo Tạng hiện Bồ Tát tượng ma-ni Vương vân, xưng dương Phật danh ma-ni Vương vân, quang minh sí thịnh phổ chiếu nhất thiết Phật sát đạo tràng ma-ni Vương vân, quang chiếu thập phương chủng chủng biến hóa ma-ni Vương vân, xưng tán nhất thiết Bồ Tát công đức ma-ni Vương vân, như nhật quang sí thịnh ma-ni Vương vân, duyệt ý lạc âm châu văn thập phương ma-ni Vương vân.
Những gì là mười ? Ðó là: Mây ma ni vương diệu kim tinh tràng. Mây ma ni vương quang minh chiếu sáng. Mây ma ni vương luân báu rũ xuống. Mây ma ni vương các tạng báu hiện tượng Bồ Tát. Mây ma ni vương khen ngợi danh hiệu Phật. Mây ma ni vương quang minh mãnh liệt, chiếu khắp tất cả đạo tràng cõi Phật. Mây ma ni vương quang minh chiếu mười phương đủ thứ sự biến hóa. Mây khen ngợi công đức của tất cả Bồ Tát. Mây ma ni vương mãnh liệt như mặt trời. Mây ma ni vương âm thanh duyệt ý lạc nghe khắp mười phương.
Giảng: Cứu kính là mười thứ mây ma ni như thế nào ?
1). Mây ma ni vương diệu kim tinh tràng.
2). Mây ma ni vương quang minh chiếu sáng.
3). Mây ma ni vương luân báu rũ xuống.
4). Mây ma ni vương các tạng báu hiện tượng Bồ Tát.
5). Mây ma ni vương khen ngợi danh hiệu của tất cả chư Phật mười phương ba đời.
6). Mây ma ni vương quang minh mãnh liệt, chiếu khắp tất cả đạo tràng cõi Phật.
7). Mây ma ni vương quang minh, chiếu mười phương đủ thứ sự biến hóa.
8). Mây ma ni vương khen ngợi công đức của tất cả Bồ Tát. Khen ngợi Bồ Tát Ðại Trí Văn Thù Sư Lợi, Ngài là trí huệ bậc nhất. Khen ngợi Bồ Tát Ðại Hạnh Phổ Hiền, Ngài là hạnh môn bậc nhất. Khen ngợi Bồ Tát Ðại Bi Quán Thế Âm, Ngài là tâm bi bậc nhất. Khen ngợi Bồ Tát Ðại Nguyện Ðịa Tạng, Ngài là nguyện lực bậc nhất.
9). Mây ma ni vương quang minh mãnh liệt như mặt trời.
10). Mây ma ni vương âm thanh duyệt ý lạc nghe khắp mười phương pháp giới.
Phổ vũ như thị thập chủng Đại ma-ni Vương vân dĩ, nhất thiết Như Lai chư mao khổng trung hàm phóng quang minh, ư quang minh trung nhi thuyết tụng ngôn:
Khắp mưa mười thứ mây đại ma ni vương rồi. Trong các lỗ chân lông của tất cả Như Lai, đều phóng ra quang minh, ở trong quang minh nói bài kệ rằng.
Giảng: Vì đại thần thông lực của chư Phật, và sức tam muội của Bồ Tát Phổ Hiền, mà khắp mưa xuống mười thứ mây đại ma ni vương, trong mỗi lỗ chân lông của tất cả chư Phật mười phương ba đời, đều phóng đại quang minh, ở trong quang minh nói ra bài kệ.
Phổ Hiền biến trụ ư chư sát Phổ Hiền ở khắp trong các cõi
Tọa bảo liên hoa chúng sở quán Ngồi hoa sen báu chúng đều thấy
Nhất thiết thần thông mị bất hiện Tất cả thần thông đều hiện ra
Vô lượng tam muội giai năng nhập Vô lượng tam muội đều vào được.
Hạnh lực và nguyện lực của Bồ Tát Phổ Hiền, tận hư không biến pháp giới, nơi nơi đều đầy khắp. Cho nên, ở khắp trong mười phương tất cả cõi Phật. Ở trong đạo tràng, hiện thân ngồi trên tòa sư tử liên hoa tạng báu. Phàm là chúng sinh có duyên, đều nhìn thấy được tôn nhan của Ngài. Ngài vào tam muội Nhất thiết chư Phật Tỳ Lô Giá Na Như Lai tạng thân. Hết thảy tất cả thần thông đều hiện ra. Hết thảy vô lượng tam muội đều vào được trong định này.
Phổ Hiền hằng dĩ chủng chủng thân Phổ Hiền luôn dùng đủ thứ thân
Pháp giới châu lưu tất sung mãn Khắp cùng pháp giới đều đầy dẫy
Tam muội thần thông phương tiện lực Sức tam muội thần thông phương tiện
Viên âm quảng thuyết giai vô ngại. Viên âm rộng lớn đều vô ngại.
Bồ Tát Phổ Hiền luôn thị hiện đủ thứ thân, để giáo hóa chúng sinh, hết thảy pháp giới đều đầy dẫy. Ðịnh lực, thần thông, phương tiện của Ngài dùng âm thanh viên mãn, luôn luôn bày tướng lưỡi rộng dài, vì tất cả chúng sinh diễn nói diệu pháp, viên mãn vô ngại.
Nhất thiết sát trung chư Phật sở Chỗ chư Phật trong tất cả cõi
Chủng chủng tam muội hiện thần thông Ðủ thứ tam muội hiện thần thông
Nhất nhất thần thông tất chu biến Mỗi thứ thần thông khắp hết thảy
Thập phương quốc độ vô di giả. Mười phương cõi nước chẳng bỏ sót.
Ðạo tràng của hết thảy mười phương chư Phật, Phổ Hiền Bồ Tát đều dùng đủ thứ tam muội, hiện ra đủ thứ thần thông. Bất cứ thứ thần thông nào, cũng đều đến khắp mười phương pháp giới. Ngài lại có thể đến mười phương cõi nước, để giáo hóa chúng sinh, chẳng bỏ sót một cõi nước nào, hết thảy cõi nước đều đầy dẫy sức thần thông của Ngài.
Như nhất thiết sát Như Lai sở Như chỗ Như Lai tất cả cõi
Bỉ sát trần trung tất diệc nhiên, Trong bụi cõi đó đều như vậy
Sở hiện tam muội thần thông sự, Sở hiện tam muội việc thần thông
Tỳ Lô Giá Na chi nguyện lực. Do nguyện lực Tỳ Lô Giá Na.
Giống như tất cả thế giới hải, tất cả cõi nước chư Phật, tất cả chỗ của Như Lai. Trong hết thảy hạt bụi cõi nước đó, đều có chư Phật đang ở trong đó, chuyển đại pháp luân giáo hóa chúng sinh. Bồ Tát Phổ Hiền hiện đại thần thông trong các cõi đều như vậy. Tam muội và thần thông của Ngài hiện, đều do nguyện lực của Phật Tỳ Lô Giá Na gia bị, và cũng do chính Ngài tinh tấn nỗ lực tu hạnh môn và nguyện lực của chư Phật tu, cho nên mới có sức thần thông diệu dụng biến hóa vô cùng như thế.
Phổ Hiền thân tướng như hư không, Thân tướng Phổ Hiền như hư không
Y chân nhi trụ/trú phi quốc độ, Trụ nơi chân như chẳng cõi nước
Tùy chư chúng sanh tâm sở dục, Tùy tâm ưa thích của chúng sinh
Thị hiện phổ thân đẳng nhất thiết. Thân thị hiện khắp đồng tất cả.
Pháp thân của Phật như hư không, pháp thân của Bồ Tát Phổ Hiền, cũng thanh tịnh giống như hư không. Pháp thân của Ngài nương chân như mà trụ, chứ chẳng nương cõi nước nào mà trụ. Pháp thân của Ngài vô tại vô bất tại. Tùy tâm ưa thích của tất cả chúng sinh, mà thị hiện thân khắp, để làm cho chúng sinh được mãn nguyện.
Phổ Hiền an trụ chư đại nguyện, Phổ Hiền an trụ các đại nguyện
Hoạch thử vô lượng thần thông lực, Hoạch được vô lượng thần thông lực
Nhất thiết Phật thân sở hữu sát, Tất cả thân Phật hết thảy cõi
Tất hiện kỳ hình nhi nghệ bỉ. Thảy đều hiện thân mà đến đó.
Nguyện lực của Bồ Tát Phổ Hiền rộng lớn vô biên. Ngài an trụ trong các đại nguyện, đắc được vô lượng vô biên thần thông lực. Thứ thần thông lực này, các Bồ Tát khác không thể so sánh được. Tất cả thân Phật, hết thảy cõi nước, Bồ Tát Phổ Hiền đều hiện thân đến chỗ Phật, để cúng dường Phật, lễ kính Phật, gần gũi Phật, khen ngợi Phật.
Nhất thiết chúng hải vô hữu biên, Tất cả biển chúng không bờ mé
Phần thân trụ bỉ diệc vô lượng, Phân thân trụ đó cũng vô lượng
Sở hiện quốc độ giai nghiêm tịnh, Cõi nước hóa hiện đều nghiêm tịnh
Nhất sát-na trung kiến đa kiếp. Trong một sát na thấy nhiều kiếp.
Tất cả biển chúng sinh, và thế giới hải, chẳng có bờ mé. Bồ Tát Phổ Hiền phân thân trụ ở đó cũng vô lượng vô biên. Nguyện lực của Ngài hóa thành cõi nước, đều là trang nghiêm thanh tịnh. Ngài có thể trong một sát na thấy được cảnh giới vô lượng đại kiếp.
Phổ Hiền an trụ nhất thiết sát, Phổ Hiền an trụ tất cả cõi
Sở hiện thần thông thắng vô bỉ, Thần thông hiện ra không ai bằng
Chấn động thập phương mị bất châu, Chấn động mười phương khắp hết thảy
Lệnh kỳ quán giả tất đắc kiến. Khiến ai quán Ngài đều được thấy.
Bồ Tát Phổ Hiền an trụ ở trong hết thảy cõi nước chư Phật. Thần thông sở hiện thắng hơn thần thông của các Bồ Tát khác. Thần thông lực này chấn động mười phương pháp giới, chẳng có nơi nào mà chẳng có, khiến cho tất cả chúng sinh có duyên đều quán thấy được pháp thân của Ngài.
Nhất thiết Phật trí công đức lực, Nhất thiết trí lực Phật công đức
Chủng chủng đại pháp giai thành mãn, Ðủ thứ đại pháp đều thành mãn
Dĩ chư tam muội phương tiện môn, Dùng các tam muội môn phương tiện
Thị kỷ vãng tích Bồ-đề hạnh. Thị hiện hạnh bồ đề thuở xưa.
Bồ Tát Phổ Hiền, Ngài đầy đủ Nhất thiết trí huệ, lực và công đức, của tất cả chư Phật, đủ thứ đại pháp của chư Phật, Ngài đã tu thành tựu viên mãn. Ngài lại dùng tất cả tam muội pháp môn phương tiện, để thị hiện hạnh môn bồ đề, mà Ngài tu thuở xưa.
Như thị tự tại bất tư nghị, Như vậy tự tại không nghĩ bàn
Thập phương quốc độ giai thị hiện, Mười phương cõi nước đều thị hiện
Vì hiển phổ nhập chư tam muội, Vì hiển khắp vào các tam muội
Phật quang vân trung tán công đức. Trong mây Phật quang khen công đức.
Sức thần thông tự tại không thể nghĩ bàn, của Bồ Tát Phổ Hiền như vậy, ở trong mười phương cõi nước đều thị hiện. Vì hiển khắp vào tất cả sức tam muội, cho nên tất cả chư Phật, phóng ra đủ thứ mây quang minh, trong mây khen ngợi công đức của Bồ Tát Phổ Hiền.
Nhĩ thời, nhất thiết Bồ Tát chúng giai hướng Phổ Hiền hợp chưởng chiêm ngưỡng, thừa Phật thần lực, đồng thanh tán ngôn:
Bấy giờ, tất cả chúng Bồ Tát đều hướng về Bồ Tát Phổ Hiền, chắp tay chiêm ngưỡng, nương thần lực của đức Phật, đồng thanh khen rằng.
Giảng: Sau khi Phật dùng mây quang minh, khen ngợi công đức của Bồ Tát Phổ Hiền rồi. Hết thảy Bồ Tát nhiều như số hạt bụi thế giới hải, đều hướng về Bồ Tát Phổ Hiền, chắp tay cung kính, mắt chiêm ngưỡng chẳng tạm rời. Mỗi vị Bồ Tát, đều nương đại oai thần lực của Phật, khác miệng cùng lời, khen ngợi Bồ Tát Phổ Hiền mà nói ra bài kệ :
Tùng chư Phật Pháp nhi xuất sanh, Từ các Phật pháp mà sinh ra
Diệc nhân Như Lai nguyện lực khởi, Cũng do Như Lai phát nguyện lực
Chân như bình đẳng hư không tạng, Chân như bình đẳng hư không tạng
Nhữ dĩ nghiêm tịnh thử pháp thân. Ông đã nghiêm tịnh pháp thân này.
Bồ Tát Phổ Hiền là từ trong hết thảy Phật pháp mà sinh ra, cũng do mười phương ba đời tất cả chư Phật, phát nguyện lực mà thành tựu. Pháp thân của Ngài là chân như bình đẳng như hư không tạng. Ngài đã đắc được pháp thân trang nghiêm thanh tịnh.
Nhất thiết Phật sát chúng hội trung, Trong chúng hội tất cả cõi Phật
Phổ Hiền biến trụ/trú ư kỳ sở, Phổ Hiền khắp trụ ở trong đó
Công đức trí hải quang minh giả, Công đức trí tuệ biển quang minh
Đẳng chiếu thập phương vô bất kiến. Chiếu khắp mười phương thảy đều thấy.
Trong hết thảy chúng hội đạo tràng, tất cả cõi nước chư Phật, đều có Bồ Tát Phổ Hiền ở tại đó, tùy hỷ tham gia pháp hội. Công đức và biển trí huệ quang minh, bình đẳng chiếu khắp mười phương, chẳng có một nơi nào mà chẳng thấy Bồ Tát Phổ Hiền.
Phổ Hiền quảng đại công đức hải, Biển công đức Phổ Hiền rộng lớn
Biến vãng thập phương thân cận Phật, Khắp trụ mười phương gần gũi Phật
Nhất thiết trần trung sở hữu sát, Trong tất cả bụi hết thảy cõi
Tất năng nghệ bỉ nhi minh hiện. Ðều đi đến đó mà hiển hiện.
Công đức của Bồ Tát Phổ Hiền, rộng lớn vô biên như biển cả. Ngài khắp đi đến mười phương cõi nước, để gần gũi tất cả chư Phật. Trong mỗi hạt bụi, hết thảy cõi nước, nhiều như số hạt bụi thế giới hải, Ngài đều đi đến, để vì chúng sinh nói pháp, hay hiển hiện ra pháp thân của Ngài, khiến cho chúng sinh có duyên đều thấy được.
Phật tử ngã tào thường kiến nhữ, Phật tử chúng tôi thường thấy ông
Chư Như Lai sở tất thân cận, Ðều gần gũi các đức Như Lai
Trụ ư tam muội thật cảnh trung, Trụ trong tam muội cảnh chân thật
Nhất thiết quốc độ vi trần kiếp. Tất cả cõi số kiếp hạt bụi.
Ðệ tử của Phật (chỉ Bồ Tát Phổ Hiền mà nói), chúng tôi thường thấy ông, đều đến gần gũi hết thảy các Ðức Phật. Cho nên công đức của ông vô lượng vô biên. Ông trụ ở trong tam muội cảnh chân thật. Trong tất cả cõi nước, thời gian số kiếp, nhiều như bụi đều giáo hóa chúng sinh.
Phật tử năng dĩ phổ biến thân, Phật tử hay dùng thân phổ khắp
Tất nghệ thập phương chư quốc độ, Ðều đến mười phương các cõi nước
Chúng sanh đại hải hàm tế độ, Chúng sinh như biển đều tế độ
Pháp giới vi trần vô bất nhập. Pháp giới hạt bụi đâu chẳng vào.
Ðệ tử của Phật ! Ông hay dùng pháp thân phổ khắp, đều đến mười phương các cõi nước, để giáo hóa chúng sinh, tuy chúng sinh nhiều như biển cả, nhưng ông đều tế độ hết. Trong mười phương pháp giới, hết thảy cõi nước trong mỗi hạt bụi, ông dều ở trong đó chuyển đại pháp luân, thật là công đức vô lượng.
Nhập ư Pháp giới nhất thiết trần, Vào trong pháp giới tất cả bụi
Kỳ thân vô tận vô sái biệt, Pháp thân vô tận chẳng khác biệt
Thí như hư không tất chu biến Ví như hư không khắp cùng hết
Diễn thuyết Như Lai quảng đại Pháp Diễn nói pháp Như Lai rộng lớn.
Bồ Tát Phổ Hiền vào trong mỗi hạt bụi trong mười phương pháp giới, pháp thân thân của Ngài cũng vô cùng vô tận, chẳng có khác biệt, giống như hư không, khắp cùng mọi nơi, mà thường diễn nói diệu pháp rộng lớn của chư Phật.
Nhất thiết công đức quang minh giả, Tất cả công đức trí huệ quang
Như vân quảng đại lực thù thắng, Như mây rộng lớn sức thù thắng
Chúng sanh hải trung giai vãng nghệ, Trong biển chúng sinh đều đi đến
Thuyết Phật sở hạnh vô đẳng Pháp. Nói pháp Phật tu chẳng gì bằng.
Bồ Tát Phổ Hiền đầy đủ tất cả công đức, và tất cả trí huệ quang minh, Ngài giống như vầng mây rộng lớn, sức lực đặc biệt thù thắng. Hết thảy tất cả biển chúng sinh, Ngài đều đến trước, để vì họ diễn nói pháp môn tu hành của chư Phật. Pháp đó là pháp hơn hết chẳng pháp nào sánh bằng.
Vì độ chúng sanh ư kiếp hải, Vì độ chúng sinh trong biển kiếp
Phổ Hiền thắng hành giai tu tập, Phổ Hiền thắng hạnh đều tu tập
Diễn nhất thiết pháp như đại vân, Diễn tất cả pháp như mây lớn
Kỳ âm quảng đại mị bất văn. Pháp âm rộng lớn đâu chẳng nghe.
Bồ Tát Phổ Hiền, vì độ tất cả chúng sinh mà trong vô lượng biển đại kiếp, hạnh môn thù thắng Phổ Hiền, đều tu tập viên mãn. Hay diễn nói tất cả Phật pháp như mây lớn, phổ khắp mười phương pháp giới. Âm thanh đó, rộng lớn chấn động hết thảy cõi nước, chẳng có nơi nào mà chẳng nghe được diệu âm đó.
Quốc độ vân hà đắc thành lập? Cõi nước được thành lập ra sao
Chư Phật vân hà nhi xuất hiện Chư Phật ra đời như thế nào
Cập dĩ nhất thiết chúng sanh hải Và hết thảy tất cả chúng sinh
Nguyện tùy kỳ nghĩa như thật thuyết. Xin hãy tùy thuận nói như thật.
Bồ Tát Phổ Hiền có thể diễn nói nhân duyên thành lập của mỗi cõi nước, và cho biết nhân duyên vì sao tất cả chư Phật xuất hiện ra đời ? Và tất cả chủng loại chúng sinh. Tuy nhiều như biển cả, mà Ngài đều biết đều thấy. Xin Ngài hãy tùy thuận tâm ý của chúng sinh, mà diễn nói nghĩa chân thật của Phật pháp.
Thử trung vô lượng Đại chúng hải Trong vô lượng biển đại chúng này
Tất tại tôn tiền cung kính trụ, Ðều cung kính ở trước Phổ Hiền
Vì chuyển thanh tịnh diệu pháp luân Vì chuyển diệu pháp luân thanh tịnh
Nhất thiết chư Phật giai tùy hỉ. Tất cả chư Phật đều tùy hỷ.
Tận hư không biến pháp giới, có vô lượng vô biên đại chúng, nhiều như biển cả. Họ đều đang ở trước Bồ Tát Phổ Hiền, cung kính đợi nghe pháp. Hy vọng ông hãy vì họ, chuyển diệu pháp luân thanh tịnh. Chẳng những chúng tôi các Bồ Tát hoan hỷ ông nói pháp, mà mười phương chư Phật cũng đều tùy hỷ ông nói pháp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét